Gần đây tôi rất hay phải giải thích với người khác rằng, thực sự tôi tôn trọng quan điểm và tín ngưỡng của họ, và tôi rất vui mừng khi họ đã tìm được những quan điểm sống phù hợp cho bản thân, tuy nhiên tôi có những niềm tin khác họ, và quan điểm của họ không phù hợp với tôi. Điều gì đúng đối với họ được coi là “đúng”, nhưng điều đúng đối với tôi cũng được coi là “đúng”.
Có thể đó chỉ là sự ngây thơ của tôi và là dấu hiệu về việc tôi đang sống trong thế giới của riêng mình (tôi sẽ không tranh luận điều này – bạn hãy đọc tiếp), nhưng tôi thật sự bất ngờ khi có quá nhiều người muốn áp đặt lên tôi những niềm tin “đúng đắn” của họ. Tôi cũng ngạc nhiên không kém khi nhiều người coi những niềm tin chủ quan của họ là sự thật duy nhất, không mang chút thành kiến, và là sự thật không thể chối cãi được. Trang Dictionary.com định nghĩa niềm tin là “một cái gì đó được người ta tin tưởng; một quan điểm hoặc ý kiến”, chứ không phải là một sự thật mà tính xác thực còn mơ hồ.
Sự thật mà được coi là đúng đắn, chắc chắn và không thể tranh cãi được trên thế giới này quả thực không nhiều, chẳng hạn như việc Trái đất hình cầu. Đây là một sự thật đã được kiểm chứng phải không? Nhưng hãy nhớ, người ta đã từng tin rằng địa cầu là một mặt phẳng, và có thể đi tàu một mạch đến tận cùng của nó kia mà. Nhân loại cũng từng tin rằng sau vài chu kỳ trong thời kỳ thơ ấu, bộ não sẽ không thay đổi nữa. Điều này còn từng được in trong tất cả sách giảng dạy y khoa cách đây không lâu. Chúng ta đều biết rằng điều đó không đúng chút nào và bộ não hoàn toàn có khả năng thay đổi cho đến ngày con người ta chết đi.
Vậy nên mới nói rằng, ngay cả sự thật còn thay đổi. Chúng chỉ “đúng” cho đến khi chúng không “đúng” nữa. Điều gì “đúng” phải dựa vào thông tin sẵn có.
Thông tin mà chúng ta sẵn có, ở mức sơ đẳng nhất, đơn thuần chỉ là việc não bộ chúng ta giải thích các tín hiệu điện mà thôi.
Màu sắc không là gì hơn ngoài các tế bào nón trong võng mạc được kích thích bởi các sóng ánh sáng trong một dải quang phổ nhất định. Vì bộ óc của mỗi người khác nhau nên việc tiếp nhận màu sắc của ta cũng khác nhau. Bầu trời có màu xanh phải không? Chắc chắn là thế, tuy nhiên màu xanh của bạn khác với màu xanh của tôi. Thậm chí còn rất khác. Không có gì là đúng hay sai. Cả hai đều là xanh, cả hai đều “đúng”. Màu xanh của bạn mang sắc xanh cũng như màu xanh của tôi, với tôi, cũng mang sắc xanh. Cả hai chỉ đơn thuần là việc não bộ chúng ta tiếp nhận những tín hiệu giống nhau, nhưng diễn giải khác nhau.
Tương tự, việc tìm hiểu ý nghĩa về thế giới và những điều xảy ra trong đó cũng chỉ là việc từng bộ não riêng biệt tiếp nhận và diễn giải các tín hiệu nhận được trong quá trình chúng ta hằng ngày tương tác với môi trường xung quanh. Khi gán cho những tín hiệu này các ý nghĩa, bộ não chúng ta thêm các ký ức, niềm tin, và thái độ về bản thân, về người khác, và về thế giới; tất cả bị ảnh hưởng bởi gia đình, tôn giáo, trường học, văn hóa, và vốn sống. Mỗi lời nói ta nghe được, mỗi chữ viết ta đọc, mọi kinh nghiệm ta có, tất cả mọi thứ, luôn được tạo ra từ sự diễn giải các tác nhân một cách chủ quan của não bộ.
Do đó, tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới riêng được tạo ra từ việc mỗi bộ óc lại tiếp nhận và diễn giải các tín hiệu thu được theo cách riêng biệt. Không có bất kỳ một thực tế chung nào thích hợp cho tất cả chúng ta. Thực tế dựa vào điều thực sự xảy ra (khách quan) và cách não bộ hiểu ý nghĩa điều xảy ra (chủ quan). Cả hai đều là thành phần thiết yếu của thực tế, và thực tế là một khái niệm chủ quan mà với mỗi người mỗi khác. Mặc dù có nhiều điểm tương đồng giữa các thực tế, tuy nhiên không thể giả định rằng mọi thứ đều như nhau đối với tất cả mọi người hay thậm chí gần như thế.
Các nghiên cứu não bộ đang chứng tỏ điều này một cách vô cùng chắc chắn. Mỗi chúng ta trải nghiệm thế giới một cách riêng biệt dưới sự ảnh hưởng của chức năng vật lý của não bộ, ký ức trong quá khứ, và các kinh nghiệm cũng như các điều kiện trong hiện tại. Con người ta nhìn thấy điều họ kỳ vọng sẽ thấy và nhớ điều họ kỳ vọng sẽ nhớ, bởi khuynh hướng nhận thức của não bộ. (Đọc thêm về khái niệm này tại đây)
Thậm chí nhìn thấy điều gì đó tận mắt chưa chắc đã là “sự thật”. Nếu có ba người chứng kiến một sự kiện thì sẽ có đến ba tường thuật về nó, có khi chúng khác biệt rất lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng ký ức của chúng ta không phải các bản ghi chép đáng tin cậy về những gì thực sự đã xảy ra; mà chỉ là những bản sao chép không hoàn hảo về quá khứ đã được tô vẽ bởi nhận thức của não bộ. Một kỷ niệm chỉ chính xác theo như lần cuối cùng người ta nhớ đến nó. (Đọc thêm về điều này tại đây).
Vật lý lượng tử cũng thêm vào đó xác nhận ý kiến rằng không có gì gọi là một thực tế chung, nhất quán cả. Thí nghiệm đã xác định rằng các hạt hạ nguyên tử, trong đó bao gồm tất cả vật chất, thậm chí không phải là những vật thể vững chắc, ổn định. Chúng là những gói năng lượng vô định, có tính dao động, và không thể được định nghĩa hay hiểu được khi bị cô lập. Chúng liên tục thay đổi, đôi khi vận hành như một dải sóng và đôi khi lại như một hạt và thậm chí là cả hai cùng một lúc. Chúng chỉ “đổ sập” vào một trạng thái cố định trong trường hợp bị quan sát. (Đọc thêm về điều này tại đây).
Căn cứ vào thông tin ở trên, tôi thấy rất khó để hiểu được tại sao người ta có thể bảo tôi nên tin vào điều gì hay cái gì thì đúng. Chúng ta thậm chí còn không có chung một thực tại. “Đúng” là bất kỳ cái gì đúng đối với một cá nhân dựa vào bộ óc riêng biệt của họ. Tất nhiên là, để có thể sống trong một xã hội văn minh, chúng ta có luật pháp mà được xây dựng dựa trên niềm tin của đại đa số. Chính vì lý do này mà luật pháp giữa các nền văn hóa khác nhau cũng khác nhau.
Sự cần thiết phải là người đúng đồng nghĩa với tư duy thiển cận và cứng nhắc. Việc chiếm lấy vị trí là người đúng làm con người ta cảm thấy mình hơn người, và rồi đánh giá người kia. Để cho bạn đúng thì ai đó sẽ phải là người sai. Tôi tin rằng việc ta cần phải đúng luôn mời gọi xung đột và cho thấy việc ta dùng sự cố gắng không đúng chỗ. Năng lượng một người sử dụng để chứng tỏ sự “đúng đắn” của họ và tác động lên người khác có thể được dùng một cách tốt hơn, tích cực hơn. Có lần tôi đọc được một câu chuyện tương tự thế này, trong đó hai con hươu đang cùng đứng trên đường tàu tranh luận rằng nên đi hướng nào mới là đúng, để rồi bị đoàn tàu cán.
Từ bỏ sự cần thiết phải đúng và tập cho đầu óc cởi mở hơn có thể đưa ta tới một cuộc sống hạnh phúc, bình yên hơn cũng như mở ra nhiều cơ hội phát triển và học hỏi. Khi không cần phải đúng, con người ta trở nên khiêm tốn hơn, và là một người lắng nghe tốt hơn. Khi cá tính hay giá trị của con người không bị chìm đắm trong việc luôn phải là người đúng, bản thân người đó có thể sống một cuộc đời không sợ hãi bị mắc sai lầm và có thể cười vào chính bản thân một cách dễ dàng hơn. Khi con người ta có một sự nhận thức về bản thân chắc chắn thì họ sẽ thấy không cần phải đúng vì một quan điểm khác biệt không phải là một mối đe dọa.
Bất cứ khi nào tôi cũng chỉ có thể nói và quyết định điều gì đúng cho bản thân trong phạm vi thực tế của trí óc tôi mà thôi. Gần đây người ta nói tôi không sống trong thế giới “thực”. Thế giới của tôi, đối với tôi, cũng thực như là thế giới của họ thực đối với họ, và không có thế giới nào là đúng hay là sai cả - chỉ là chúng khác nhau.
Không quan trọng mắt thấy cái gì, mà là chính bạn nhìn thấy cái gì.
Nguồn: The Best Brain Possible
Dịch: N.Đ.Thịnh
Chào bạn, mình xin phép share lại bài này lên web tamlyhoctoipham.com nhé, cảm ơn bạn.
Trả lờiXóa