Nhỏ bé giữa đất trời là cảm giác khi tôi đặt chân đến cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang; khi mình chợt cảm thấy bé nhỏ giữa thiên nhiên, vũ trụ bao la rộng lớn. Đi Hà Giang có lẽ cung đường đi tới Đồng Văn là đẹp nhất, nhưng để ấn tượng về vùng đất này thì không chỉ có thế.(cảnh báo bài viết có sử dụng ngôn từ sến sủa, người đọc cần lưu ý)
Một chuyến đi bốc đồng
Lên Hà Giang mới thấy các nhóm phượt trang bị đủ mọi thứ, nào là khăn, găng tay, bộ đàm, áo phản quang, đồ bảo hộ kín từ đầu tới chân... trong khi chúng tôi chỉ có vẻn vẹn bộ quần áo, cái khăn ống và kính đeo cho đỡ gió, bụi. Cũng phải thôi, chúng tôi quyết định đi Hà Giang chỉ chưa đến 1 ngày. Người bạn đồng hành của tôi gợi ý tối hôm trước, thế là trưa hôm sau hai đứa đi luôn, chỉ vội tống ít đồ vào ba lô rồi mau mải lên đường.
Đi xe máy từ Hà Nội đến Hà Giang, hơn 300 cây số thật không dễ tí nào, nhất là đối với hai đứa ít kinh nghiệm. Vì không có bản đồ nên chúng tôi đành nhờ anh Google Maps chỉ đường, ai ngờ anh Google Maps lại không có hướng dẫn chỉ đường cho xe máy, mà chỉ có cho xe ô tô, xe bus và người đi bộ. Tôi lại không để ý cái này, thế là cứ đi theo chỉ dẫn rồi xe chúng tôi đi nhầm vào cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Ban đầu đi vào tôi đã ngờ ngợ vì không có lấy một bóng dáng xe máy, hơn nữa lại có một cô lao công nói lớn bảo nhầm đường rồi. Cuối cùng bọn tôi đành phải quay lại, mà còn đi ngược chiều nữa – không những nguy hiểm mà tôi còn cứ nơm nớp gặp cảnh sát. Kể ra chuyến đi này bọn tôi cũng gặp nhiều cái may, mà đây là cái may đầu tiên: đi vào cao tốc, đi ngược chiều mà cũng không bị dính các chú áo vàng.
Vậy là thôi không nhìn anh Google Maps nữa, chúng tôi đi theo con đường “truyền thống”, đó là Hà Nội – Vĩnh Yên – Việt Trì – Đoan Hùng – Phú Thọ – Tuyên Quang và cuối cùng là Hà Giang. Đi cung đường này thì cứ việc nhìn biển chỉ dẫn trên đường là xong, tôi nhìn thêm định vị trên Google Maps nữa cho an tâm.
Thánh nhân đãi kẻ khù khờ!
Hợp lý thì đi phượt Hà Giang bằng xe máy phải đi từ sớm, khoảng 5, 6 giờ sáng để đến chiều tối là tới Hà Giang. Vì xe tôi khởi hành giữa trưa nên tôi cũng tính phải nửa đêm mới tới Hà Giang. Và tôi cũng không ngờ được mình may mắn thế nào khi đến nơi an toàn vì đi trên đường vào cái tầm giờ ấy nguy hiểm vô cùng.
Trên đường đến Vĩnh Yên, chúng tôi dừng lại nghỉ ăn ngô luộc ven đường (ngô to lắm, hạt mẩy, chắc giống Trung Quốc) Giở Google Maps ra xem, tôi mới tá hỏa khi thấy đến được Tuyên Quang thì mới đi được nửa quãng đường thôi, vì từ Tuyên Quang đến Hà Giang còn xa quá, mà nhìn bản đồ toàn núi đá. Tôi dự tính đến Tuyên Quang chắc cũng phải 7 giờ tối, đến Hà Giang thì nửa đêm. Hóa ra dự tính của mình đúng thật.
Ngoài lề một chút, đây là lần đầu tiên tôi đi xa như thế này bằng xe máy. Các cụ đã có câu “Ngu si hưởng thái bình”, và trong trường hợp này của tôi quả không sai. Trước khi đi tôi không google gì về Hà Giang (chả biết nó trông thế nào), cũng chẳng tìm hiểu nơi ăn, chốn ở, đặt phòng... gì hết, và cũng không tìm hiểu về cung đường, về lộ trình đi thế nào cho an toàn, trọn vẹn. Thế nên tôi đi mà vô tư lự, không bất an, không lo lắng – cứ ung dung tận hưởng gió mát, cảnh đẹp, nắng vàng trên đường đi và mơ về một Hà Giang hùng vĩ bao la, rộng lớn có thể hòa tan mọi vấn đề nhỏ bé của tôi, một Hà Giang có thể hòa tan tâm hồn tôi vào núi rừng rộng lớn.
Quãng đường hơn 150km từ Hà Nội đến Tuyên Quang làm cho cả hai chúng tôi mệt nhoài, nhưng nghĩ đến được ăn tối ở Tuyên Quang, lòng tôi lại thấy vui lạ. Trước đó không lâu tôi cũng đi chơi Trung thu ở đó, và ăn tối ở một quán nhỏ gần cầu Nông Tiến. Con người miền núi này sao mà thân thiện đến lạ. Ở Hà Nội ăn gì, mua gì cũng lo bị mắng, bị chửi; còn ở đây, người ta mến khách lắm. Ăn bao nhiêu món đã rẻ, mấy bà chủ quán lại còn hỏi han khách xem ăn thế nào. Người ta nói khi đi đây đi đó ta sẽ được gặp những con người mới mà có thể về sau trong đời ta sẽ không bao giờ còn cơ hội gặp lại họ nữa. Tôi mong gặp lại Tuyên Quang là vì thế, vì muốn sống lại những kỷ niệm đẹp đẽ, được gặp những con người bình dị, mộc mạc.
6 giờ rưỡi chúng tôi dừng chân ăn tối ở Tuyên Quang, nhưng không phải quán mà tôi từng ăn. Té ra con đường chúng tôi đi không đi qua thành phố Tuyên Quang, nên tôi lại ngậm ngùi đi tiếp. Vừa ăn tôi vừa tra Google danh sách các nhà nghỉ, khách sạn ở Hà Giang để tìm chỗ trú đêm nay, mà vô cùng hoảng hốt khi gọi đến hơn ba chục số điện thoại, đâu đâu cũng kêu hết phòng! Lúc vừa tra Google tôi mới đọc được mấy bài báo nói Hà Giang đang “cháy phòng” vào dịp cuối tuần vì hàng ngàn du khách bốn phương ùn ùn kéo về đây ngắm hoa tam giác mạch. Tôi lo cuống lên, nghĩ không biết đêm nay đi đâu về đâu đây. Cũng may thái độ người bạn đồng hành lại bình tĩnh, nên tôi cũng đỡ lo hơn. Nghĩ tôi mà đi với đứa mà cũng hay lo sợ như tôi thì chắc đi chơi mất cả vui.
Vì không tìm được chỗ nghỉ ở thành phố tối hôm đó nên chúng tôi quyết định sẽ tìm nhà nghỉ nào đó trong phạm vi cách Hà Giang 5 km. Ăn tối xong ở Tuyên Quang cũng đã 7 giờ hơn, chúng tôi lại khăn gói lên đường. Vì tôi bị cận nên tháo kính ra thì không nhìn thấy gì, đành đeo lồng kính cận và kính chống bụi, nhưng mà như thế hai kính chồng lên nhau, bụi và gió lại chui vào. Hai mắt tôi đỏ và hơi rát vì bụi, nhưng vẫn cố lái thêm một đoạn vì bạn tôi đã cầm lái cả quãng từ Hà Nội rồi. Một đứa như tôi, chưa từng đi xa bằng xe máy nên đi rất “nhát chết”, chỉ dám đi khoảng 30-40km/h, mà như thế thì không kịp đến Hà Giang trước nửa đêm được. Và từ đây đi tiếp mới là chặng đường gian nan và nguy hiểm hơn cả.
Vấn đề lớn nhất là chuyện đèn đóm – đèn xe và đèn đường. Đường đèo dốc và nguy hiểm, nhưng không có lấy một ánh đèn đường trừ khi đi qua thị trấn, nên đi mà sợ vô cùng. Hơn nữa mỗi khi có xe ô tô đi ngược chiều thì tôi lóa hết mắt không nhìn thấy gì, buộc phải đi chậm lại. Hai chúng tôi đi chiếc xe Wave đời cũ, xe vừa yếu mà đèn xe cũng yếu nốt; đèn pha và đèn cốt chả khác gì nhau, chưa kể cứ phanh lại là đèn chỉ sáng lờ mờ (?!) Thành ra chúng tôi không nhìn rõ được đường đi, không dám phi nhanh. Nhưng có lẽ cũng chính vì điều này nên khi đi đường, tôi được dịp ngồi sau ngẩng mặt lên ngắm trời sao cao vút, không bị đèn xe làm “vẩn đục”. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi ấy, thấy lâng lâng giữa tiết trời vùng núi mát lạnh và ngắm những ánh sao lung linh giữa trời đêm – một bên là núi, một bên là rừng, nhưng cũng đồng thời thấy thèm được bắt gặp một ánh điện, một căn nhà vì đi mãi chỉ thấy rừng núi, đường xá heo hút, không chút hơi ấm của người. Vừa đói, vừa lạnh nhưng tôi cũng thầm đội ơn Trời vì đã “đãi kẻ khù khờ” như chúng tôi. Đường xá như thế, cũng nghe tin mấy người bỏ mạng vì cung đường này rồi mà chúng tôi vẫn toàn thây đến nơi – thế là may mắn lắm!
Một đêm ở thành phố Hà Giang
Khi thấy mốc lộ giới báo còn năm km nữa là đến Hà Giang, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì quanh co đường đèo lạnh giá, đen kịt và heo hút mãi rồi cũng sắp tới nơi, nhưng lo vì chưa tìm nổi chỗ ngủ qua đêm trong cái tiết trời miền núi lạnh cóng này. Tôi đã bắt đầu ho và sụt sịt vì viêm xoang, cộng thêm đầu hơi hơi nhức vì lạnh. Hai đứa hỏi mấy nhà nghỉ, khách sạn ở trên đường thì đều báo hết phòng – duy chỉ có một nhà nghỉ tên Công Đoàn là còn phòng. Đang hí hửng vì có chỗ ngủ đêm nay thì hai chúng tôi rùng mình khi nhìn cái phòng nghỉ - bẩn thỉu, nhếch nhác vô cùng, chưa kể chăn nệm còn mốc hết lên. Ở đây mà ngủ qua đêm chắc sáng hôm sau có khi người đầy chấy, rận, ghẻ không biết chừng. Anh chủ còn “nhiệt tình” gạ gẫm tôi có muốn các em gái – mà ở ngay dưới tầng 1 – lên phục vụ không. Hai đứa sợ quá, đi ngay còn kịp. Tôi nghĩ bụng có phải ngủ ngoài đường cũng không chui vào đấy.
Cột mốc báo 4 cây, 3 cây... và cuối cùng đã thấy cổng chào Thành phố Hà Giang, đúng 12 giờ đêm. Ấn tượng đầu tiên của tôi: đúng là ở thành phố thì chỉ nghỉ qua đêm để hôm sau đi Đồng Văn, chứ ở đây cũng chẳng có gì mà chơi. Bây giờ phải đi tìm chỗ nghỉ, nhưng tìm ở đâu bây giờ? Linh tính mách bảo thế nào chúng tôi ghé lại hỏi một nhà trọ bên đường vì nhìn ngoài vào thấy phòng ở đó đang trống, không có ai. Hỏi bà chủ thì hóa ra bà đang đợi một đoàn phượt gần 30 người từ Hà Nội, mà mới chỉ xuất phát từ 6h tối! (chứng tỏ hai đứa tôi đi như rùa bò trên đường) Phòng thì đương nhiên đã được đặt hết rồi. Chúng tôi đang không biết làm sao thì bà hỏi nếu chỉ cần chỗ ngủ qua đêm thôi, không cần phòng ốc đàng hoàng thì ở đấy có chỗ. Đoạn chúng tôi được dẫn vào một căn phòng tạm – bà chủ giới thiệu chỗ này trước dựng cho công nhân làm đường ở nhưng giờ đường xong rồi nên bỏ không. Trong phòng chỉ có một cái phản gỗ to (quái lạ mấy cái nhà miền núi này toàn dùng đồ gỗ cực xịn, hơn hẳn dưới xuôi. Mà gỗ dày, chắc, và bóng loáng – chắc phải quý lắm!) Căn phòng dù là công nhân ở nhưng lại khá sạch, và bà cũng cam đoan với chúng tôi là mấy người công nhân trước ở sạch lắm vì bà không có phép ăn ở bẩn thỉu. Khi bạn tôi hỏi ở thế này thì hết bao nhiêu, bà chủ bảo lấy rẻ thôi, vì “ai mà chẳng có lúc sa cơ lỡ bước” (trích nguyên văn câu nói của bà ấy, mà theo tôi 100% là bà dùng từ sai ngữ cảnh) Chúng tôi được anh chủ lấy cho kem đánh răng, dầu gội đầu và bàn chải để vệ sinh cá nhân, nhưng chúng tôi cũng chỉ đánh răng đi ngủ chứ không thiết tắm táp gì cả, phần vì lạnh, phần vì đã mệt sau cả chiều rong ruổi, chỉ muốn ngủ ngay cho lại sức, mai còn đi tiếp. Đánh răng, rửa mặt, lau qua người cho đỡ bụi xong, tôi vào phòng thì đã thấy anh kia đã rải chăn gối tươm tất trên phản gỗ. Dù là phòng tạm thôi nhưng còn hơn cả cái chỗ nhà nghỉ Công Đoàn kia, chăn nệm mới giặt, và rất dày dặn. Cóng người vì cái lạnh của Hà Giang khi đi đường, tôi như chết đuối vớ được cọc, chỉ muốn cuộn mình mãi trong chăn. Lại thêm một cái may nữa, không đặt trước phòng nhưng vẫn có một chỗ ngủ tử tế, ấm cúng. Thật là đội ơn ông Trời!
Cũng tại chăn nệm ấm quá nên sáng hôm sau chúng tôi mãi mới khởi hành đi Đồng Văn, mà trong khi lẽ ra nên đi từ 5 giờ. Tôi không nhớ rõ tiền phòng, hình như hai người hết có 60 nghìn! Mình đúng thật vừa là khách nhưng vừa là kẻ mang ơn người ta nữa. Chúng tôi cũng hỏi xem bà chủ ở đây quen ai làm nhà nghỉ ở Hà Giang không, nhưng gọi hỏi thì cũng hết phòng. Mà tôi cũng không bận tâm nhiều lắm – biết đâu ông trời lại đãi kẻ khù khờ như chúng tôi thêm đêm nay nữa thì sao?
Trước khi đi Đồng Văn, chúng tôi ghé vào ăn phở ở quán mà trên mạng đồn đại là “ngon nhất Hà Giang”. Giá 35 nghìn một bát, chát bằng Hà Nội. Tôi ăn cũng thấy bình thường, còn bạn tôi khen lấy khen để. Bà chủ quán dọa thêm là chuẩn bị đồ ăn mà mang đi đi, chứ lên Đồng Văn khách đông không có cái mà ăn đâu. Gớm, làm gì mà đến mức như thế, tôi nghĩ, cùng lắm là vào tạp hóa mua mì tôm. Nhưng bị dọa thế nên cứ phòng xa mua thêm bánh mì mang theo. À còn phải đổ xăng, tôi nhìn sang cây xăng đối diện thấy bao nhiêu là đoàn phượt đợi đổ xăng, rợp một màu áo cờ đỏ sao vàng. Ai nấy cũng trang bị kín mít, nhìn ngầu vô cùng. Tôi cũng chợt thèm thèm được ăn vận như họ, trông cũng ra dáng phượt lắm chứ...
(Còn tiếp)